GIÁP XÁC
Tồn kho mặt hàng tôm đỏ Argentina ở Tây Ban Nha thấp. Nhu cầu tiêu thụ được dự đoán sẽ tăng trong Tuần Thánh. Theo truyền thống, đây là khoảng thời gian tiêu thụ thủy sản chính ở Tây Ban Nha. Những yếu tố này, cùng với hoạt động chế biến trên đất liền thấp hơn bình thường tại thời điểm đầu năm đang góp phần đẩy giá tôm ở Tây Ban Nha tăng cao. Ngoại trừ cỡ nhỏ nhất (40–60/kg), còn nhìn chung giá tôm các cỡ đã tăng 0,2 EUR/kg trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2024.
Khoảng thời gian này trong năm là thời điểm trái mùa để đánh bắt cua và tôm hùm, đồng thời, nhu cầu cũng chậm lại (ngoại trừ Ngày lễ tình nhân, khi đó tôm hùm là mặt hàng được yêu cầu nhiều tại các nhà hàng). Tôm thẻ chân trắng tiếp tục dư cung tại thị trường châu Âu. Nhu cầu vẫn ở mức thấp và dự kiến sẽ không cải thiện trong những tháng tới. Tôm Ecuador được chào bán tại thị trường châu Âu đã giảm giá từ 0,50-1,00 EUR/kg trong tháng 1 năm 2024 so với tháng trước.
Sau khi giảm giá trong suốt năm 2023 do dư cung và tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, giá các sản phẩm tôm từ Indonesia cuối cùng đã ổn định trở lại. Mặc dù môi trường kinh tế có một số phục hồi nhưng thị trường Mỹ (thị trường lớn nhất đối với tôm Indonesia) vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể. Trong khi tôm cỡ nhỏ đáp ứng tốt với nhu cầu tiêu thụ mạnh thì tôm cỡ lớn trái lại khá trì trệ.
Trước Tết Nguyên đán tháng 2/2024, Trung Quốc đã ráo riết mua tôm từ tất cả các nhà cung cấp trên thế giới. Có thể thấy, tình hình chính trị tại Ecuador có thể tác động tiêu cực đến nguồn cung tôm từ quốc gia này trong thời gian tới. Tương tự như tôm Indonesia, giá tôm Argentina được báo cáo ổn định vào tháng 1 năm 2024.
NHUYỄN THỂ HAI MẢNH VỎ
Năm 2023, tổng giá trị nhập khẩu nghêu vào Liên minh châu Âu là 320 triệu USD, giảm từ mức 380 triệu USD năm 2022 và 409 triệu USD năm 2021. Thị trường nghêu chính tại Liên minh châu Âu là Tây Ban Nha, chiếm trên 50% tổng sản lượng nghêu nhập khẩu. Khoảng 70% lượng nghêu nhập khẩu của EU có nguồn gốc từ các nước EU khác. Bồ Đào Nha, Hà Lan và Ý là những nhà cung cấp nghêu chính cho các nước láng giềng EU, mỗi nước đóng góp khoảng 60 triệu USD vào năm 2021. Đã có sự thay đổi trong mô hình thương mại này vào năm 2023 với xuất khẩu nghêu của Bồ Đào Nha và Ý giảm xuống còn 36 triệu USD (Bồ Đào Nha) và 44 triệu USD (Ý), trong khi Hà Lan báo cáo xuất khẩu ổn định.
Các công ty hoạt động trong thị trường bán lẻ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sản phẩm hai mảnh vỏ của Ý để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất đang bán nguyên liệu thô ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là Pháp và Bồ Đào Nha, vì lý do này mà giá nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng đột biến. Nguyên nhân không chỉ do cua xanh Đại Tây Dương ăn các đối tượng hai mảnh vỏ non mà còn có thể do người nuôi nghêu cố tình trì hoãn việc thả giống. Cho dù nguyên nhân là gì thì chắc chắn rằng nguồn cung nghêu sẽ không đủ so với nhu cầu trên thị trường thủy sản thế giới.
CÁ NỔI NHỎ
Trong những năm gần đây, tổng sản lượng đánh bắt cá thu, cá trích Atlanto-Scandian, cá blue whiting và cá trứng đã vượt quá khuyến nghị trên 4,5 triệu tấn. Các nhà nghiên cứu khoa học đã cảnh báo rằng, các loài cá nổi nhỏ ở Bắc Đại Tây Dương có thể đang bị khai thác quá mức. Theo đó, họ đưa ra khuyến nghị giảm hạn ngạch đánh bắt cá thu và cá trích ở Biển Bắc. Các quốc gia ven biển đã đồng ý với tổng sản lượng được phép đánh bắt (Total Allowable Catch - TAC) trong năm 2024 là 739.387 tấn đối với cá thu ở Biển Bắc, hoàn toàn phù hợp với những khuyến nghị khoa học.
Theo Hội đồng Thủy sản Na Uy (the Norwegian Seafood Council - NSC), xuất khẩu cá thu của Na Uy đã có khởi đầu tốt đẹp trong năm mới (2024) với sản lượng đánh bắt và giá cá tăng. Tuy nhiên, bức tranh giá cả có vẻ như đang bị mờ đi do ảnh hưởng của đồng krone Na Uy (NOK) rất yếu so với các loại tiền tệ chính trên toàn cầu. Trong khi giá của NOK tăng 2,7% trong tuần đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 thì giá tính theo đồng đô la Mỹ trái lại giảm 3,9%.
Xuất khẩu cá thu đông lạnh của Na Uy đạt 6,7 tỷ NOK vào năm 2023, tăng 7% so với năm trước. Cá thu là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ ba của Na Uy, sau cá hồi và cá tuyết. Đối với cá trích, hạn ngạch cá trích (spring-spawning herring) được ấn định là 390.010 tấn, được phân bổ cho: Na Uy, Liên bang Nga, Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Quần đảo Faroe. Hạn ngạch này đã thể hiện TAC 2024 giảm 24% so với TAC 2023 (là 511.171 tấn).
THỦY SẢN NƯỚC NGỌT
Cá rô phi không phải là mặt hàng thủy sản quan trọng ở Liên minh châu Âu. Nhập khẩu hàng năm nhìn chung khá ổn định ở mức 260 triệu USD. Trung Quốc là nhà cung cấp chính mặt hàng này, đã xuất khẩu khoảng 35 triệu USD vào năm 2023. Hà Lan là đối tác thương mại quan trọng, chủ yếu nhập khẩu và tái xuất sản phẩm cá rô phi. Cho đến nay, sản phẩm chính là philê cá rô phi đông lạnh.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thị trường EU đã nhập khẩu hơn 134 triệu USD cá tra từ Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau nhiều tháng sụt giảm, trong tháng 9 năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Liên minh châu Âu đã ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại; giá trị xuất khẩu đạt hơn 14 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Ngọc Thúy (theo FAO)